Tin tức Tân Thành
CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” KHU VỰC AN GIANG
Trên mọi miền đất nước vẫn còn đâu đó những gia đình nghèo khổ, hằng ngày phải đối mặt với cảnh đói nghèo. Tiếp nối chương trình “Tân Thành tiếp sức hộ nghèo” ở khu vực Cần Thơ và Kiên Giang, từ ngày 10 tháng 09 đến ngày 19 tháng 09 năm 2014, chúng tôi đã đến khu vực An Giang thăm hỏi và trao quà cho 9 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
1.  Đến với hộ đầu tiên là căn nhà lá nhỏ lụp xụp của cô chú Trác Tân, 65 tuổi, ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 


Ngôi nhà lá xụp xệ của cô chú Trác Tân
 
Hai cô chú sống trong căn nhà ấy từ năm 1993, căn nhà lá được cất tạm bợ trên đất của người dân địa phương tốt bụng giờ đã xụp xệ không đủ che mưa che nắng. 
 

Khi được hỏi về gia cảnh, ánh mắt đượm buồn, cô tâm sự: Chú thì bị bệnh, mắt nhìn không rõ, đi lại khó khăn, chỉ có cô làm thuê cho người ta nhưng thỉnh thoảng mới có việc làm kiếm được vài chục ngàn, nhưng mùa nước lên thì lại chẳng có việc để làm, không còn cách nào khác cô chú phải đến những người quen để xin ăn qua ngày. Tuy cô chú có 3 người con, nhưng họ đều ở xa và cũng nghèo khổ, không giúp đỡ được gì cho cô chú. 

Nhìn thấy hoàn cảnh cơ cực của cô chú mà đoàn chúng tôi thấy xót xa.
 
 

Đại diện công ty trao quà cho cô chú Trác Tân

 
2. Hộ chú Bùi Văn Lâm, 50 tuổi, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
 

 
Lần đầu đoàn chúng tôi đến thăm chú, do chú không nhìn thấy nên có vẻ lo lắng nhưng khi nghe chúng tôi giới thiệu: “Đoàn chúng cháu đến từ Công ty Tân Thành, được đại lý Lượng Hùng giới thiệu về hoàn cảnh đặc biệt của chú nên bữa nay chúng cháu ghé thăm chú”, chú mới thấy yên tâm và cởi mở hơn, chú chia sẻ: Chú bị hư mắt do tai nạn khi khai thác đá thuê cho người ta từ năm 2000, sau khi bị tai nạn, vợ chú mặc cảm bỏ đi, 2 người con cũng đi làm xa, Tết mới về thăm và cho chú ít tiền. Với căn nhà do nhà nước bán thiếu trị giá 19 triệu đồng, chú ở từ năm 2006 đến nay vẫn chưa thể trả nổi một đồng.
 
Với một người bị hư mắt bẩm sinh sẽ dễ dàng thích nghi với bóng tối hơn một người bị hư mắt khi đã lớn tuổi như chú Lâm, đau lòng hơn nữa là chú còn bị bỏ rơi, phải một mình đối mặt với bóng tối không người thân giúp đỡ. Chú không nhìn thấy đường mà hằng ngày còn phải chống gậy đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Chú bán vé số đã hơn 10 năm nay và chỉ kiếm được khoảng 40 ngàn một ngày. Không nhìn thấy gì nên chú gặp rất nhiều khó khăn: Có khi bị người ta lấy vé số, có khi người ta trả tiền thiếu, đường xá thì xe cộ nguy hiểm... Có nhiều bữa chú đi bán về, đi ngang qua nhà mà không hay, hàng xóm phải ra kêu lại và dẫn chú vào nhà dùm.
 
Đại diện công ty trao quà cho chú Bùi Văn Lâm
 
3. Tạm biệt chú Lâm, chúng tôi đến với gia đình cụ Trần Thị Ánh, 83 tuổi, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. 
 
Cụ Ánh ở với 2 người con, người con trai -  anh Vinh -  bị bệnh tim và lao phổi phải nằm viện, không có ai chăm sóc, vợ và 2 con của anh Vinh đã bỏ đi hơn 20 năm. Khi nào có tiền cụ mới gửi lên cho anh. Còn con dâu lớn của cụ hằng ngày đi bán vé số, mỗi ngày chỉ kiếm được 30 ngàn đồng. Hai người con của chị thì một người làm mướn trên Thành phố, một năm về một lần cho được vài trăm ngàn, người còn lại cũng bị bệnh phải lên chùa ở, hốt thuốc uống.
 
 
Góc bếp nhà cụ Trần Thị Ánh

 
Tuy đã 83 tuổi và chân đã yếu, nhưng cụ Ánh vẫn phải chống gậy đi bán vé số vào mỗi buổi sáng để phụ kiếm chút tiền lo cho anh Vinh nằm viện.
 
 
Đại diện công ty trao quà cho cụ Trần Thị Ánh
 
4. Hộ chị Lê Thị Phương, 36 tuổi, ấp Phú Thuận, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. 
 
Chồng chị mới mất hơn 100 ngày do tai nạn điện giật khi anh đi bắt cá vào ban đêm, để lại chị một mình nuôi đứa con gái vừa vào lớp 1. Anh là lao động chính trong gia đình, chị Phương không có nghề nghiệp, giờ anh mất, chị Phương không biết phải làm sao để kiếm tiền nuôi con và cho con ăn học. Ngôi nhà mẹ con chị đang ở giờ cũng đã xuống cấp.
 


  Ngôi nhà và hai mẹ con chị Lê Thị Phương
 
Nỗi đau mất chồng, mất cha là một cú sốc lớn đối với hai mẹ con chị Phương, nguồn thu nhập chính của gia đình đã không còn, gánh nặng bây giờ đặt trên vai của chị, và tương lai của bé rồi sẽ ra sao?
 
 
Đại diện công ty trao quà cho mẹ con chị Lê Thị Phương
 
5. Đến với hộ anh Phan Văn Đương, 42 tuổi, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. 
 
Anh Đương sống một mình tại ngôi nhà được cất nhờ trên đất người ta cách nay 12 năm nay do nhà nước hỗ trợ, giờ ngôi nhà ấy đã không còn lành lặn.
 
Anh Phan Văn Đương bên căn nhà của mình

Góc bếp đơn sơ, thiếu bàn tay của người phụ nữ
 
Anh Đương bị tật ở chân, hằng ngày anh đi phụ hồ cho người ta, kiếm được khoảng 50 ngàn đồng một ngày nhưng công việc không ổn định, bữa có bữa không.
 
 
Đại diện công ty trao quà cho anh Phan Văn Đương
 
6. Đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm hỏi hộ cụ Nguyễn Thị Tánh, 71 tuổi, ở ấp Phú Hòa A, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. 
 
Cụ có một người con, nhưng sống ở Tây Ninh, cuộc sống nghèo khổ nên rất ít về thăm cụ. Cụ một mình sống tại ngôi nhà do Hội chữ thập đỏ cất đã 8 năm nay. Thời trẻ, cụ Tánh sống ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, khi chạy giặc cụ đã bị bắn vào chân và thương tật cho đến nay, khiến cụ khó khăn trong việc đi lại.
 
 
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Tánh 
 
Cụ sống một mình, già yếu và bệnh tật, không còn sức lao động, hằng ngày chỉ lủi thủi trong căn nhà nhỏ yếu ớt, sống nhờ vào lòng thương của mọi người xung quanh. 
 
 
Đại diện công ty trao quà cho cụ Nguyễn Thị Tánh
 
7. Tương tự như hoàn cảnh của cụ Tánh, cụ Lê Thị Ngọc, 84 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
 
Cụ sống một mình, bệnh tật, chòm xóm thương tình cho gạo để cụ ăn qua ngày. Ngôi nhà mà cụ đang sống cũng là do người ta đi làm xa, cho cụ ở nhờ và giữ nhà dùm.
 
 

 
Cụ Ngọc chia sẻ: cụ cũng có con có cháu nhưng mỗi đưa một nơi, cuộc sống tụi nó cũng đói khổ nên không ai nuôi cụ, cụ đi khắp nơi, nay ở nhờ nhà này mai ở đậu nhà kia. Cách đây 2 năm, có gia đình đi làm xa, nhà để không nên cho cụ ở nhờ.
  


Hình ảnh cụ Lê Thị Ngọc và một góc nhà cụ đang sống

Đại diện công ty trao quà cho cụ Lê Thị Ngọc
 
8. Chia tay cụ Ngọc, chúng tôi đi khoảng 500m đến hộ của anh Nguyễn Văn Sơn, 34 tuổi, cùng ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
 
Anh Sơn còn ở độ tuổi khá trẻ, tuy nhiên anh mắc phải căn bệnh Hội chứng thận hư, không có tiền điều trị đến nơi đến chốn nên bệnh ngày càng trầm trọng, giờ hằng ngày anh phải uống thuốc để cầm cự và hàng tháng phải lên Sài Gòn khám, lấy thuốc hết hơn 1 triệu đồng, không có tiền để chạy thận, tiền thuốc cũng nhờ có cha mẹ và chòm xóm góp vào giúp đỡ. Gia đình anh bây giờ vợ anh là người lao động chính, chị đi làm mướn: Bẻ ớt, bẻ bắp cho người ta, một tiếng chỉ được 10 ngàn đồng, trái mùa thì chị lại không có việc làm.
 
Cha mẹ anh cũng nghèo khổ, sống dưới xuồng, bắt cá ăn qua ngày nên không giúp anh được nhiều. Với nguồn thu nhập ít ỏi của vợ anh, phải nuôi thêm 3 đứa con nhỏ và lo tiền thuốc men cho anh, cuộc sống gia đình anh vô cùng lận đận, khó khăn.
 
Anh Sơn, cha anh và đứa con trai út
 
 
Đại diện công ty trao quà cho gia đình anh Nguyễn Văn Sơn
 
9. Hộ cuối cùng mà chúng tôi ghé thăm đó là hộ của cụ Phan Kim Tư, 91 tuổi, ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. 
 
Chiến tranh đã cướp mất chồng và 2 người con của cụ Tư, giờ chỉ còn mình cụ sống neo đơn không người thân. Chúng tôi ghé thăm cụ, bước vào căn nhà của cụ cảm giác căn nhà ấy đã hư hỏng rất nặng, không ai dám bước mạnh.
 
 

Ngôi nhà cụ Phan Kim Tư
 
Nghe cụ Tư tâm sự: Cụ giờ đã già, không còn sức lao động, hằng ngày bà con thương tình cho gì ăn nấy. 
 
Đại diện công ty trao quà cho cụ Phan Kim Tư
 
Tuổi già là tuổi hưởng phước con cháu, nhưng đâu đó còn rất nhiều cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, nghèo khổ, hằng ngày phải chịu cảnh đói khổ như hoàn cảnh cụ Ánh, cụ Tánh, cụ Ngọc, cụ Tư… Không đi thì không biết, có đi đến nhiều nơi chúng tôi mới biết được còn rất nhiều hộ có gia cảnh rất khó khăn cần được sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng. Có tiếp xúc với họ, trò chuyện với họ, mới cảm nhận được mình may mắn và hạnh phúc biết bao. 
 
Với số tiền và những phần quà không phải là nhiều, nhưng nó lại là niềm hạnh phúc to lớn và phần nào giúp đỡ họ giảm bớt khó khăn. Nhận phần quà và số tiền chúng tôi gửi trao, họ cám ơn không ngớt và đôi tay run run khi cầm số tiền ấy, chúng tôi hiểu rằng họ đang thầm hạnh phúc.
 
Tiếp sức hộ nghèo song song với trao yêu thương cho họ. Dù đường xá xa xôi, mưa nắng, nhưng đằng sau sự mệt mỏi đó là niềm hạnh phúc vui sướng ngập tràn trong tim mỗi người chúng tôi. 
 
“Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được” theo Elbert Hubberd.
 
An Giang, ngày 22 tháng 09 năm 2014 
 
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22751636 | Online: 30