Bản tin Nông nghiệp
Giải pháp cho cánh đồng mẫu lớn Vị Thanh

Với mục tiêu tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo quá trình canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất ruộng trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại địa phương mạnh dạn liên kết lại để cùng nhau bơm tát tập trung trên cùng khu vực sản xuất.

 
GIẢI PHÁP CHO CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN VỊ THANH
 
Với mục tiêu tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo quá trình canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất ruộng trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại địa phương mạnh dạn liên kết lại để cùng nhau bơm tát tập trung trên cùng khu vực sản xuất.
 

Hiện mực nước bên ngoài cống đã cao hơn mặt ruộng vài tấc
 
Từ mô hình điểm
 
Những ngày gần đây, mực nước dưới hệ thống kênh rạch lớn, nhỏ chảy qua địa bàn xã Vị Thanh đã đột ngột dâng lên. Có nơi, người dân ghi nhận là đã vượt cao hơn cùng kỳ năm vừa qua từ 1-2 tấc nước. Cho nên, hệ thống cống hở bao quanh các tiểu vùng, khuôn bao thuộc CĐML của xã luôn được ngành chức năng và người dân kiểm soát chặt chẽ nhằm chủ động đóng kín kịp thời, ngăn không cho nước tràn vào nội đồng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, trổ bông của cây lúa ngoài ruộng. Khi phần lớn các trà lúa trong CĐML Vị Thanh, có tổng diện tích quy hoạch 394ha vẫn còn ở giai đoạn đòng trổ.
 
Đáng kể là trước đó, nhiều hộ dân ở ấp 5 còn mạnh dạn hợp đồng với chủ máy tại địa phương tiến hành bơm tát trọn gói từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, đảm bảo cho vụ lúa Thu đông năm nay ăn chắc, với chi phí 130.000 đồng/công. Chỉ tay về phía chiếc máy dầu đang bơm nước ra ngoài tuyến kênh tạo nguồn ở ấp 5, thuộc khu vực CĐML xã Vị Thanh, ông Trần Văn Sái, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vị Thanh, khẳng định: Nếu không chủ động liên kết lại để cùng nhau thực hiện theo mô hình thí điểm bơm tát trọn gói như thế này, thì trên 50ha lúa của người dân nơi đây có thể sẽ bị ngập sâu hơn nửa thân cây.
 
Ông Lê Văn Canh, có 1,5ha lúa OM5451 trong cánh đồng lúa được thực hiện theo mô hình thí điểm bơm tát trọn gói ở ấp 5, cho rằng: Tuy tiêu tốn chi phí bơm tát một chút, nhưng đổi lại người dân cảm thấy yên tâm vì không sợ bị mưa lũ đe dọa. Trước hết, là điều tiết được lượng nước cần thiết trên đồng ruộng, giúp cho cây lúa đẻ nhánh, trổ bông thuận lợi. Đến cuối vụ, mặt ruộng được khô ráo nên có thể tiến hành thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp một cách nhanh chóng, góp phần tiết giảm chi phí khoảng 300.000 - 400.000 đồng/công, còn hạt lúa làm ra dễ bán hơn so với cắt tay. Chưa kể là tránh được một lượng lớn lúa thất thoát do quá trình thu hoạch thủ công, vận chuyển và suốt gây ra.
 
Đến định hướng lớn
 
Ông Huỳnh Phước Hải, Giám đốc HTX Vị Thanh, nhìn nhận: Hầu hết người dân đang canh tác trong CĐML tại địa phương nói chung, xã viên HTX nói riêng đều mạnh dạn chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất vào đồng ruộng. Trong đó, có kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” bằng cách sạ thưa, sạ hàng với các loại giống chất lượng cao. Nhất là thời gian qua, bà con luôn ý thức bơm tát tập trung để tiến hành xuống giống đồng loạt né rầy theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Nhờ vậy mà góp phần tiết giảm đáng kể về lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật phun xịt ngay từ đầu vụ.
 
Thế nhưng, theo ông Hải, khâu liên kết bơm tát tập trung, chủ yếu được thực hiện vào đầu vụ lúa Đông xuân hàng năm. Còn vụ Hè thu và Thu đông vẫn chưa có tổ hợp tác, hay HTX nào đứng ra thực hiện dịch vụ tưới tiêu trọn gói từ khi xuống giống cho đến thu hoạch cho người dân. Trong khi đó, hạ tầng đê bao, cống bọng bao quanh 10 tiểu vùng của CĐML Vị Thanh đã được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo khép kín sản xuất quanh năm. Do đó, sau khi mô hình bơm tát trọn gói được thực hiện thí điểm ở ấp 5 khẳng định hiệu quả, HTX sẽ lập phương án vay vốn ngân hàng khoảng 150 triệu đồng để mua sắm máy móc, thực hiện dịch vụ bơm tát nước trọn gói cho cả 3 vụ lúa trong năm.
 
Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, thông tin: Mặc dù trạm bơm điện, với 5 tổ máy đang phục vụ cho 107ha điểm vượt công suất, nhưng không thể điều tiết số máy dư đến các tiểu vùng khác trong khu vực quy hoạch CĐML 394ha. Một mặt là do lưới điện không đảm bảo, mặt khác cản trở quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng tàu, ghe do phải lắp đặt cố định tại đầu các tuyến kênh lớn. Cho nên, quan điểm của xã là ủng hộ việc đầu tư thêm các trạm bơm dầu theo kế hoạch của HTX Vị Thanh, bởi tính cơ động của nó. Về lâu dài, địa phương đề xuất ngành chuyên môn huyện, tỉnh xem xét đầu tư thêm khoảng 5 trạm bơm điện có thiết kế phù hợp, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi trên từng tiểu vùng.
 
Dự kiến, vào vụ lúa Đông xuân 2014-2015 tới đây, HTX Vị Thanh sẽ triển khai đầu tư thêm các trạm bơm dầu, ngoài trạm bơm điện hiện có và 2 trạm bơm dầu ở ấp 5 để chủ động hơn trong việc rút nước xuống giống sớm cho khoảng 80% diện tích lúa của người dân đang canh tác trên CĐML tại địa phương.
 
Bài, ảnh: GIA NGUYỄN
Nguồn: baohaugiang.com.vn
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22732645 | Online: 5