Bản tin Nông nghiệp
Hiệu quả cao từ hệ thống SRI

Ngày 15/10/2007, SRI được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới, đến nay SRI đã được áp dụng trên 29 tỉnh, thành trên cả nước.

Cánh đồng SRI tại xã Hậu Thành, Yên Thành
 
Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI - System of Rice Intensification ) được đánh giá là thâm canh lúa đầy triển vọng theo hướng “Nông nghiệp sinh thái” tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. SRI thỏa mãn yêu cầu tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 15/10/2007, SRI được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới, đến nay SRI đã được áp dụng trên 29 tỉnh, thành trên cả nước.

Về hiệu quả SRI: Theo báo cáo của Cục BVTV năm 2014, SRI cho hiệu quả vượt trội so với phương pháp canh tác lúa truyền thống như lượng giống giảm từ 70 - 90% (lúa cấy), phân đạm giảm từ 20 - 28%, tăng năng suất bình quân từ 9 - 15%, giảm chi phí BVTV từ 39 - 62%, tiết kiệm được khoảng 30 - 35% lượng nước sử dụng, đồng thời tăng khả năng chống chịu của sâu bệnh.

Lợi nhuận thu được của ruộng áp dụng theo phương pháp SRI tăng trung bình từ 15 - 35%. Ngoài ra áp dụng SRI làm giảm đáng kể phát thải khí nhà kính so với phương pháp canh tác lúa truyền thống.

Trong những năm qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An đã triển khai ứng dụng thành công nhiều mô hình hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên toàn tỉnh.

Vụ hè thu 2016, Trạm BVTV huyện Yên Thành đã triển khai nhân rộng mô hình SRI tại xã Hậu Thành, với quy mô 10ha cùng sự tham gia của 40 nông hộ canh tác lúa. Thông qua các chương trình đào tạo xuyên suốt cả vụ, các học viên được chuyển giao các kỹ thuật cần thiết và áp dụng hiệu quả vào chính thửa ruộng của gia đình mình.


Một buổi học của các học viên mô hình SRI
 
Theo KS Lê Văn Dũng, Trạm BVTV huyện Yên Thành, cán bộ trực tiếp hướng dẫn thực hiện mô hình chia sẻ: “Phương pháp SRI có thể tóm tắt bằng 5 nguyên tắc đó là cấy mạ non, mạ khỏe; Cấy thưa mật độ 30 khóm/m2, cấy một dảnh/khóm; Cấy theo ô mặt sàng; Phòng trừ dịch hại kịp thời; Điều tiết nước hợp lý. Nông dân được tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và thực hành ngoài đồng ruộng, giúp nông dân tiếp thu và ứng dụng ngay vào thực tế sau khi học”.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ nhiệm HTX Hậu Thành, địa phương triển khai mô hình SRI cho biết: “Thực tế triển khai, mô hình SRI tại xã Hậu Thành đã giảm được 40% lượng giống, 17% phân bón urê, đặc biệt số dảnh hữu hiệu ở khu ruộng SRI trung bình là 7,67 dảnh/khóm cao hơn 2,08 dảnh so với tập quán nông dân.

Cũng theo KS Lê Văn Dũng, ngoài các vấn đề trên, mô hình SRI đã giúp giảm đáng kể chi phí BVTV, nhờ tỷ lệ bệnh khô vằn giảm 11,8%, nông dân hiểu về ngưỡng phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trong đợt dịch vừa qua, nên giảm được 1 lần phun khô vằn, 1 lần phun sâu cuốn lá. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí đầu tư mà còn giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và sự phơi nhiễm thuốc BVTV cho người nông dân.

 
Theo: Phan Anh Thế
Nguồn: nongnghiep.vn
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22591186 | Online: 8