Bản tin Nông nghiệp
Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 10 - 16/10)

Tại các tỉnh phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ non hại cục bộ trên những diện tích trỗ muộn, diện xanh tốt, chưa được phòng trừ, mức độ hại nhẹ đến trung bình 

1. Trên lúa

a) Các tỉnh phía Bắc

- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non hại cục bộ trên những diện tích trỗ muộn, diện xanh tốt, chưa được phòng trừ, mức độ hại nhẹ đến trung bình.

- Rầy nâu - rầy lưng trắng: Mật độ rầy tiếp tục tăng, gây hại chủ yếu trên lúa giai đoạn đòng trỗ, trên giống nhiễm. Mức độ gây hại nhẹ đến trung bình, có khả năng gây cháy ổ nhỏ nếu không theo dõi và phòng trừ kịp thời.

- Sâu đục thân 2 chấm: Sâu non tiếp tục gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.

- Bệnh đạo ôn lá, cổ bông… tiếp tục hại diện hẹp trên lúa mùa chủ yếu các tỉnh miền núi.

- Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn: Tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa mùa muộn giai đoạn trỗ - chín, hại nặng những ruộng bón thừa đạm, giống lúa lai có bản lá to, chân đất lầy thụt trong điều kiện có mưa và gió lớn.

- Chuột: Gia tăng mật độ sau thu hoạch lúa HT, mùa sớm và tiếp tục gây hại trên lúa mùa muộn giai đoạn đòng - trỗ, chín hại nặng tại những vùng chưa tổ chức tốt công tác phòng trừ giai đoạn đầu vụ, vùng gò đồi, ven làng.

- Các loại sâu bệnh khác gây hại nhẹ trên các trà lúa.

b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

- Bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt, rầy nâu, rầy lưng trắng... tiếp tục gây hại trên lúa vụ 3 (Bình Định), lúa vụ 10 (Phú Yên, Khánh Hòa), lúa HT muộn ở Tây Nguyên giai đoạn cuối vụ.

- Sâu cuốn lá, sâu đục thân... hại chủ yếu lúa vụ 10, lúa rẫy giai đoạn đòng trỗ.

- Bệnh đạo ôn lá, cổ bông phát sinh và gây hại cục bộ trên lúa mùa và lúa rẫy ở Tây Nguyên và một số diện tích lúa ở các tỉnh đồng bằng.

- Chuột: Gây hại cục bộ lúa mùa, lúa gieo.

- Ốc bươu vàng: Di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

c) Các tỉnh phía Nam

- Rầy nâu: Tiếp tục phát triển và tích lũy mật độ. Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa ĐX sớm, khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, tăng cường bơm rút nước hạn chế thấp nhất ngập úng do mưa và triều cường sau xuống giống, đặc biệt chuẩn bị tốt lượng giống cần thiết để gieo sạ với chất lượng cao nhất.

- Bệnh đạo ôn: Khả năng sẽ còn tiếp tục phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Trên ruộng lúa đã xuất hiện bệnh cần tích cực phòng trị, dừng ngay việc bón đạm, kể cả các loại phân phun qua lá và sử dụng thuốc đặc trị để phun. Riêng những ruộng trồng giống nhiễm bệnh khuyến cáo nên phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ rải rác và phun lần 2 khi lúa trỗ đều.

- Ngoài 2 đối tượng trên, cần lưu ý phòng ngừa tốt đối với ốc bươu vàng ở giai đoạn lúa mới sạ dưới 15 ngày và những ruộng khó thoát nước; sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng.  

2. Trên cây trồng khác

- Châu chấu tre tiếp tục gây hại nhẹ tại Sơn La. Cần theo dõi và phòng, chống kịp thời. Tại Điện Biên cần tiến hành kiểm tra xác định địa điểm cư trú mới của châu chấu.

- Sâu đục thân, sâu cắn lá hại ngô; sâu đục thân đậu tương; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy... gây hại trên rau có chiều hướng gia tăng, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời.

-Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm hại tăng nhẹ.

-Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

-Cây nhãn: Chổi rồng nhãn giảm về diện tích và mức độ hại.

-Cây sắn: Rệp sáp bột hồng gây hại nhẹ tại Phú Yên, Quảng Trị.

-Châu chấu tre tại Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên giảm về diện tích và mức độ hại. 

 
Theo: Cục BVTV
Nguồn: nongnghiep.vn
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22595798 | Online: 12