Bản tin Nông nghiệp
Sắp có giải pháp?
Từ ngót chục năm nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đưa ra những giải pháp và tiến hành xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Các cơ quan, ban ngành chức năng tỉnh Tây Ninh cũng đã tốn không ít thời gian và hàng chục tỷ đồng cho việc này. Nhưng chưa có giải pháp nào khả thi.
SẮP CÓ GIẢI PHÁP

Từ ngót chục năm nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đưa ra những giải pháp và tiến hành xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
 
Rất nhiều giải pháp xử lý lục bình được đưa ra, nhưng đều thất bại
 
Các cơ quan, ban ngành chức năng tỉnh Tây Ninh cũng đã tốn không ít thời gian và hàng chục tỷ đồng cho việc này. Nhưng chưa có giải pháp nào khả thi.
 
THẤT BẠI LIÊN TIẾP
 
Từ năm 2006, tỉnh Tây Ninh đã có những giải pháp xử lý lục bình trên sông. Ban đầu là dùng sức người vớt lục bình. Theo đó, bộ đội khỏe mạnh của Sư đoàn 5 đóng tại Tây Ninh được huy động xuống sông vớt lục bình. Mặc dù, hàng trăm tấn lục bình được vớt lên bờ mỗi ngày, nhưng chẳng thấm tháp gì so với tốc độ phát triển chóng mặt của loại cây này. Cứ sau một đêm, mặt sông lại dày đặc lục bình như chưa có ai đụng đến.
Sau đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền đóng tại Tây Ninh tham gia vớt lục bình bằng xuồng, về làm phân bón vi sinh với mong muốn “một công đôi việc”. Nhưng, lục bình vớt chẳng đáng là bao, trong khi giá thành sản xuất phân vi sinh bằng cách này quá cao. Giải pháp nhanh chóng phá sản.
Năm 2010, tỉnh Tây Ninh được Bộ KH-CN chuyển giao công nghệ cho chiếc máy cắt, ép rong, cỏ, lục bình trị giá 1 tỷ đồng. Tại các vùng kênh rạch khác, chiếc máy khá hiệu quả. Nhưng khi về đến sông Vàm Cỏ Đông, máy không thể “kham” nổi khối lượng công việc quá lớn này: chi phí dầu, di chuyển khá lớn, máy thường xuyên trục trặc… Cuối cùng, đành phải trùm mền.
 
Có thể nói, trong số các giải pháp xử lý lục bình, cách vớt lục bình của ông Đặng Văn Đảnh, 66 tuổi, một lão nông ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh là tương đối hiệu quả bằng cách dùng cáp chặn, “đuổi” lục bình đi chứ không vớt.
 

Lão nông Đặng Văn Đảnh và chiếc xuồng với sợi dây chặn lục bình, một giải pháp xử lý lục bình dù khá hay nhưng cũng chưa khả thi
 
Giải pháp được mang ra thử nghiệm trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và hàng trăm người dân. Kết quả, trong một ngày, lão nông Tư Đảnh cùng 10 thanh niên đã "giải phóng" được mấy chục km dòng sông.
 
Theo tính toán của ông Tư Đảnh thì trong khoảng thời gian khoảng 2 tháng, ông sẽ giải quyết xong lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và kinh phí cho giải pháp này chỉ hơn 140 triệu đồng. Tuy nhiên, giải pháp của ông Đảnh mới chỉ nằm trên giấy mà chưa rõ lý do.
 
Năm 2012, sau nhiều giải pháp không khả thi, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức đấu thầu dự án xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ với kinh phí 6 tỷ đồng trong thời gian 5 năm. Kết quả, công ty Thanh Sơn đã trúng thầu với giá bỏ thầu gần 5 tỷ. Với điều kiện trong 90 ngày, phải đảm bảo thông thoáng suốt tuyến sông Vàm Cỏ Đông chiều rộng trung bình 70m nhằm đảm bảo luồng tàu chạy.
 
Nhưng do lượng lục bình quá lớn mà năng lực của nhà thầu còn hạn chế nên đơn vị này đã bị tỉnh Tây Ninh xử phạt hơn 330 triệu đồng và cắt hợp đồng.
 
VÀ GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG
 
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ Công ty Hoài Nam – Hoài Bắc, một doanh nghiệp tầm cỡ trong lĩnh vực xử lý môi trường ở TP.HCM khi nói đến giải pháp xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
 
Trong buổi hội thảo đầu năm 2014 vừa qua tại Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, ông Thanh cho biết, trước khi lập dự án xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ, ông và các kỹ sư trong công ty đã khảo sát sơ bộ thực tế, tìm hiểu khá kỹ các giải pháp thất bại trước đây. Ông cũng đã gặp lão nông Tư Đảnh, người có giải pháp thu gom lục bình tương đối hiệu quả.
 
Ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ công ty Hoài Nam – Hoài Bắc, đang trình bày giải pháp xử lý lục bình mới trong hội thảo sáng 6/6 vừa qua
 
Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, kết hợp công nghệ, giải pháp xử lý môi trường của công ty, ông Thanh đưa ra giải pháp xử lý lục bình theo phương pháp sinh học (ủ kỵ khí) kết hợp với chế phẩm vi sinh tốc độ cao theo cơ chế phát triển sạch CDM.

Ngày 6/6 vừa qua, tỉnh Tây Ninh tiếp tục có buổi hội thảo nhằm tìm giải pháp xử lý triệt để lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Tham dự buổi hội thảo, ngoài đại diện Bộ KH-CN, còn có Sở KH-CN, TN-MT, NN-PTNT, GT-VT các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Hậu Giang…
Tại buổi hội thảo này, giải pháp xử lý lục bình của Công ty Hoài Nam – Hoài Bắc đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các đại biểu tham dự.
Theo đó, để thực hiện giải pháp này, cần có 5ha đất ven sông Vàm Cỏ Đông để xây dựng hệ thống gồm hồ chứa lục bình, băng chuyền, 2 hầm biogas (mỗi hầm dài 150m, rộng 100m và sâu 5m).
 
Hệ thống gồm một cọc bê tông đóng cố định giữa sông, một sợi cáp, phao, nối từ cọc này vào bờ, chặn lục bình trên một nửa dòng sông (nửa còn lại để lưu thông), “bắt” chúng đi vào khu hàm ếch trong bờ theo con nước lên xuống.
 
Tại khu hàm ếch, lục bình được tời lên băng chuyền bằng cáp vào hồ nước dài 40m, rộng 5m. Công đoạn tiếp theo là băm nhỏ lục bình đẩy vào hầm biogas kết hợp với chất thải từ trại chăn nuôi heo bên cạnh để tạo ra nguồn năng lượng điện phục vụ chính hệ thống này. Cách này ông Thanh gọi là “lấy mỡ nó rán nó”.
Giải pháp xử lý lục bình của ông Thanh được thiết kế dựa trên những kết quả khảo sát thực tế về điều kiện tự nhiên và khí tượng, thủy văn khu vực, khối lượng, thành phần, tính chất của cây lục bình, khả năng đáp ứng thiết bị cho hệ thống xử lý, chi phí quản lý và vận hành. “Bình quân một ngày hệ thống có thể xử lý khoảng 100 tấn lục bình. Đây sẽ là giải pháp cuối cùng”, ông Thanh khẳng định.
 
Theo ông Thanh thì “Ưu điểm của phương pháp này là không dùng hệ thống máy móc chạy trên sông để vớt thủ công mà lợi dụng dòng nước lên xuống để thu gom tại chỗ, xử lý tại chỗ và tạo ra nguồn năng lượng phục vụ toàn hệ thống, nên không tốn chi phí xăng dầu.
 
Sau khi hệ thống hoạt động ổn định, còn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao từ việc thu hồi khí biogas và bán chứng chỉ giảm phát thải cers. Xử lý triệt để ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tái sử dụng nguồn năng lượng sinh khối, chủ động nguồn chất đốt, điện tại chỗ. Sản xuất phân bón vi sinh rất tốt từ nguồn mùn thải trong hầm biogas.
 
Dự án sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề về cảnh quan, môi trường, giao thông, từng làm đau đầu các ngành chức năng và hàng ngàn nông dân. Không chỉ thế, giải pháp này còn mang lại nguồn năng lượng từ khí biogas, nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp”.
Trả lời câu hỏi: “Nguồn lợi giải pháp mang lại cụ thể là gì?” của đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh, ông Thanh cho biết: “Một kg thân lá lục bình với công nghệ ủ kỵ khí, một ngày sinh ra 14,3 lít khí gas. Với công suất hầm biogas 20.000 tấn, một ngày sẽ sản sinh ra hơn 22.000 m3, tương đương 22 tấn khí CO2 – CER (một tấn CO2 trên thị trường quốc tế được bán 14 USD), đủ cho máy phát điện công suất 2 megawatt hoạt động.
 
Nhưng cần phải có một trang trại heo ở bên cạnh để duy trì hầm biogas này. Trại heo này vào mùa mưa, lục bình ít, phải có 15.000 con, mùa khô thì ít hơn. Như vậy, nguồn lợi từ bán điện do hệ thống tạo ra hàng năm không hề nhỏ”.
Trong khi các giải pháp trước kia đều tiêu tốn tiền tỷ thì ông Thanh không yêu cầu tỉnh cấp kinh phí mà chỉ thu tiền xử lý chất thải theo qui định.
 
Phúc Lập
Theo:nongnghiep.vn
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22595789 | Online: 14