Tin tức Tân Thành
CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” KHU VỰC LONG AN, TIỀN GIANG

“Tình yêu thương rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cùng sớt chia nỗi khổ
Cho cuộc đời đẹp hơn.”

Chương trình thiện nguyện với tên gọi “Tân Thành Tiếp Sức Hộ Nghèo” đã đi qua rất nhiều những vùng quê xa xôi, với mong muốn sẻ chia những vất vả lo toan của những cảnh đời bất hạnh. Chuyến đi về vùng quê hai tỉnh Long An và Tiền Giang những ngày cuối tháng 11 vừa qua đã để lại trong đoàn chúng tôi thật nhiều kỉ niệm. Dẫu biết rằng ở đâu đó, nơi những vùng đất xa xôi vẫn còn những mảnh đời nghèo khó. Trong những bộn bề cuộc sống vẫn phải cố gắng lo toan manh áo gạo tiền. Những mảnh đời mà đoàn chúng tôi đã đi qua, mỗi người mỗi cảnh cái nghèo, cái đói, cái kém may mắn bệnh tật cứ mãi theo sau xoáy mạnh vào cuộc đời.
 
1. Đoàn chúng tôi khởi hành từ rất sớm đến ấp Chiến Thắng, Thị trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
 
 
Với hy vọng thay đổi cuộc sống đỡ vất vả hơn mà từ Gò Công, Tiền Giang ông Huỳnh Văn Kiếm 60 tuổi đã quyết định đưa gia đình về Vĩnh Hưng, Long An sinh sống từ năm 1991 cho đến nay. Từ bấy nhiêu năm lao động vất vả nhưng cảnh nghèo đói vẫn cứ mãi theo sau. Thời gian trôi qua sức khỏe ông đã yếu dần, cơn bệnh tim cũng ngày tiến triển. Gia đình với 5 nhân khẩu, do cảnh nghèo đói nên các con ông đã đi làm ăn xa, lao động chính, mọi thứ trong gia đình phải dựa vào bàn tay già yếu của vợ.
 



 
Công ty trao quà cho gia đình ông Huỳnh Văn Kiếm.
 
 
2. Đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển quãng đường khá xa đến ấp Bình Tây 2, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
 
 
Trong ngôi nhà được xây cách đây 3 năm do sự quan tâm của chính quyền, biên phòng và bà con tại địa phương là hoàn cảnh rất đáng thương của 4 nhân khẩu sinh sống. Chị Trương Thị Thảo Sương, sinh năm 1981 người phụ nữ bất hạnh này chỉ ngồi tại chỗ, miệng ú ớ phát âm khó khăn do một căn bệnh quái ác, cứ mỗi lần phát bệnh chị đau nhức khắp người. Thương mẹ người con gái lớn đang ở tuổi đầy ước mơ đành từ bỏ tất cả ở bên mẹ và lo cho mẹ hằng ngày. Cuộc sống vất vả lắm, khó khăn lắm mọi thứ đè nặng trên vai người chồng, với công việc phụ hồ bữa có bữa không thu nhập không ổn định.
 



 
Đại diện công ty trao quà cho gia đình chị Trương Thị Thảo Sương.
 
3. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến hộ bà Lê Thị Lữ, ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, Mộc Hóa, Long An.
 
Đoạn đường ngoằn ngoèo, lầy lội, cái nắng khá gắt của trời trưa nhưng đoàn chúng tôi vẫn tiếp tục di chuyển. Trong ngôi nhà nhỏ tách biệt là cuộc sống khá đơn giản của đôi vợ chồng già. Bà Lê Thị Lữ dáng người nhỏ nhắn, kém may mắn vì khi sinh ra đã mang tật đôi chân mình, cuộc sống sinh hoạt của bà rất khó khăn. Thương vợ người chồng đã cùng bà chung sống bao năm lao động tất bật, làm mọi thứ. Nhưng theo thời gian cũng làm hao mòn sức khỏe giờ ông chỉ chăn nuôi vài con vịt, con gà lâu lâu bán lấy tiền làm sinh hoạt cho gia đình.
 




 
Niềm vui hòa lẫn nước mắt của bà Lữ khi nhận được sự hỗ trợ từ đại diện công ty.
 
 
4. Cách hộ bà Lữ không xa là hoàn cảnh rất khó khăn của anh Lê Minh Tứ 36 tuổi, ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, Mộc Hóa, Long An.
 
Gia đình với 4 nhân khẩu sinh sống, anh Tứ không có công việc ổn định, ai kêu gì anh làm ấy, cuộc sống vất vả bữa đói bữa no. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn lại mang căn bệnh về não mỗi tháng phải chật vật tiền thuốc chữa trị gần 2 triệu đồng. Hai con thơ còn ở tuổi thơ ngây bú sữa.
 


 
Đại diện công ty trao quà cho gia đình anh Lê Minh Tứ.

 
5. Hoàn cảnh đặc biệt đáng thương của chị Huỳnh Thị Phương 40 tuổi, ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, Mộc Hóa, Long An.
 
Là nạn nhân của chất độc da cam, dị dạng cơ thể, nhưng vui thay khi chị vẫn còn hiểu, cảm nhận, làm được những công việc nhẹ. Cuộc sống bất hạnh không dừng ở đó khi từ nhỏ chị còn lưu lạc trên đất Campuchia, phụ giúp công việc ở đợ cho người ta ở vùng biên giới. Cuộc sống bất hạnh, những cơn hành hạ đánh đập của gia chủ lên con người đáng thương cử chỉ như trẻ nhỏ này. Hoàn cảnh  đáng thương, thường xuyên bị đối xử tệ tia hy vọng cuối cùng cũng được lóe lên khi chị được một người mang về cưu mang sinh sống trên phần đất nhờ này.
 
 
Ngôi nhà chòi nhỏ bé là nơi chị Phương được cưu mang sinh sống.
 
 
Dáng điệu cử chỉ như trẻ nhỏ trên con người dị tật đáng thương 40 tuổi.
 
 
Đại diện bà con hàng xóm nhận quà hỗ trợ cho chị Huỳnh Thị Phương.
 
6. Cũng trên địa bàn ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, Mộc Hóa, Long An đoàn chúng tôi đến thăm hộ anh Lê Thanh Thiện 44 tuổi cùng vợ Lê Thị Thiện.
 
Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là người đàn ông ốm yếu đang ngồi trên chiếc xe lăn rất đáng thương. Anh Lê Thanh Thiện kể lại lúc còn sức khỏe lao động được anh làm công việc phụ hồ, một lần lao động anh chợt té từ trên cao xuống đất chấn thương nghiêm trọng, giờ anh bị liệt hoàn toàn phần dưới cơ thể. Mọi việc trong gia đình do chị Lê Thị Thiện tất bật lo toan. Cuộc sống khó khăn gia đình chỉ sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của cậu con trai 19 tuổi làm phụ hồ.
 


 
Anh Lê Thanh Thiện cùng vợ nhận quà hỗ trợ từ đại diện công ty.

 
7. Hoàn cảnh đặc biệt của ông Nguyễn Văn Minh 63 tuổi cùng vợ Lê Thị Năm 63 tuổi ấp Gò Dồ mà đoàn chúng tôi tiếp xúc không thể không chạnh lòng.
 
Theo lời kể của bà con xung quanh, những hàng xóm hảo tâm luôn quan tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh ông bà và với những gì chúng tôi tận mắt thấy không thể không chạnh lòng. Đôi vợ chồng già với màu da xạm đen vì nắng, dáng người kham khổ, ánh mắt đượm buồn như chất chứa nhiều điều muốn nói. Khi mang thai người con đầu lòng cũng là người con duy nhất, hạnh phúc như vỡ òa sung sướng nhưng may mắn không đến được với ông bà. Người con ấy bị ảnh hưởng chất độc da cam từ khi ông hoạt động cách mạng, đứa con duy nhất đã 30 tuổi nhưng trong hình hài của một đứa trẻ, vô tri, vô thức, nằm đó không biết gì. Bản thân ông là lao động chính của gia đình nhưng do thời gian tuổi tác, đôi mắt ông chỉ nhìn được một bên nên không thể lao động nhiều. Bà Năm cũng chỉ phụ giúp mọi việc nhẹ trong nhà, mỗi khi có việc gì ai kêu gì thì làm ấy. Cuộc sống của ba mãnh đời bất hạnh này chỉ mong chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi từ địa phương.
 
 
Căn nhà biệt lập với mọi người, chúng tôi phải di chuyển bằng xuồng để đến nhà ông Minh.





 
Khóe mắt cay như rưng lệ, tiếng nói như nghẹn lời vì niềm vui khi nhận sự hỗ trợ từ công ty.

 
8. Cách đó không xa là hoàn cảnh khó khăn của anh Huỳnh Văn Trọng 42 tuổi bị dị tật cả hai chân cùng vợ Võ Thị Cà 30 tuổi.
 
Sinh ra đã kém may mắn anh Trọng bị dị tật cả hai chân đi lại khó khăn. Cuộc đời anh thật sự hạnh phúc từ khi gặp được chị Cà. Cả hai sinh được hai cháu gái xinh xắn còn đang ở tuổi cắp sách đến trường. Đôi vợ chồng tất bật mưu sinh với hy vọng thoát cảnh nghèo. Làm việc vất vả, làm đủ thứ nghề nhưng đến giờ anh chị vẫn còn đang ở nhờ trên phần đất của người em họ.
 
 
Đại diện công ty trao quà cho gia đình anh Huỳnh Văn Trọng.

 
9. Đoàn chúng tôi tiếp tục đến ấp Bàu Môn, xã Thạnh Hưng, TX. Kiến Tường, Long An.
 
Chúng tôi tiếp xúc với bà Võ Thị Đầm là chị của bà Võ Thị Ba 69 tuổi, dị tật bẩm sinh, sức khỏe yếu, không con cái. Trong căn nhà nhỏ là hình ảnh của hai cụ bà dáng người nhỏ nhắn chăm sóc cho nhau. Bà Võ Thị Đầm với công việc đan đệm đã vất vã từ rất lâu để cưu mang người em dị tật. Cuộc sống khó khăn, neo đơn phần lớn được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, hàng xóm.
 
 
Bà Võ Thị Ba vui mừng nhận quà hỗ trợ từ đại diện công ty.
 
 
10. Hoàn cảnh “Gà trống nuôi con” của anh Dương Văn Mẫm 43 tuổi, ấp Bảy Mét, Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An.
 
Đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển đến hộ anh Dương Văn Mẫm do quãng đường khá xa khi chúng tôi đến được trời đã chập tối. Ngôi nhà nhỏ được dựng lên trên một phần đất trống nhờ sự thương tình từ một người hàng xóm hảo tâm. Ngôi nhà nhỏ là nơi sinh sống của hai cha con, do không có công việc ổn định nên cuộc sống của hai cha con rất chật vật, khó khăn.
 


 
Đại diện công ty trao quà hỗ trợ cho anh Dương Văn Mẫm.
 
 
11. Chúng tôi đến thăm hộ bà Nguyễn Thị Bảy 79 tuổi, ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, Tiền Giang.
 
Hình ảnh cụ bà gầy còm, vẻ mặt kham khổ cứ ẩn hiện trong mỗi chúng tôi khi tiếp xúc. Bà Nguyễn Thị Bảy có ba người con xa xứ, gia cảnh nghèo khó nên bà chỉ sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ, cuộc sống neo đơn cơm gạo hằng ngày dựa vào công việc đan đệm của bà. 
 
 


 
Đan đệm là công việc chính giúp bà mưu sinh cuộc sống.

 
Đại diện công ty trao phần quà hỗ trợ cho bà Bảy.

 
12. Cảnh neo đơn của hai anh em ông Trần Tiến Dũng 76 tuổi, bà Trần Thị Trân 64 tuổi, ấp Bình Đức, xã Bình Phú, Cai Lậy, Tiền Giang.
 
Tiếp chuyện với đoàn chúng tôi là hai anh em ông Dũng và bà Trân, người anh trai già yếu cùng người em gái mang căn bệnh hở van tim. Cuộc sống neo đơn già yếu, mất khả năng lao động hai anh em phải tựa vào nhau để sống. 
 
  

  
 
Đoàn chúng tôi tiếp chuyện và trao quà hộ trợ cho ông Dũng, bà Trân.

 
13. Hoàn cảnh khó khăn của anh Trần Văn Loa 45 tuổi, chị Huỳnh Kim Thủy 34 tuổi, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang.
 
Sinh ra với dị tật bẩm sinh ở chân, đi lại khó khăn nhưng anh Loa vẫn cố gắng làm việc bất cứ ai kêu gì anh làm ấy. Chị Thủy rất thương yêu chồng con, lao động tất bật mọi thứ trong xóm, lúc sức khỏe tốt chị còn đi làm công nhân đến tận Long An với mong muốn anh Loa đỡ vất vả. Niềm vui lớn nhất của anh chị chính là cậu con trai Huỳnh Tấn Đạt học rất giỏi và chăm ngoan.
 


 
Ngôi nhà nhỏ là nơi chúng tôi bắt gặp rất nhiều bằng khen về thành tích học tập của bé Đạt.
 

 
Anh Loa, chị Thủy rất vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ từ công ty.

 
           Dẫu biết rằng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều những mãnh đời khó khăn, vất vả. Cần sự chung tay góp sức của rất nhiều trái tim đồng điệu yêu thương. Chương trình “Tân Thành Tiếp Sức Hộ Nghèo”  đã đi qua rất nhiều những mãnh đời khốn khó, với hy vọng sẽ chia phần nào những nhọc nhằn của cuộc sống. Chúng tôi! Sẽ luôn đồng hành, sẽ luôn sẵn sàng vì màu xanh của cuộc sống, ở đâu đó còn khốn khó cảnh nghèo, màu áo xanh Tân Thành luôn đồng hành tiến bước!
 
 
Cần Thơ, ngày 03 tháng 12 năm 2014.
 
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22848291 | Online: 10