Bản tin Nông nghiệp
Cây sương sâm
Sương sâm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch lá, dễ tiêu thụ, đầu tư chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao

CÂY SƯƠNG SÂM
 
Sương sâm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch lá, dễ tiêu thụ, đầu tư chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao. 


Trồng sương sâm thu nhập khá
 
Sương sâm có tên khoa học là Tiliacora triandra (Colebr.) Diels, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Chi sương sâm (Tiliacora) là một chi thực vật thân leo có hoa bao gồm 22 loài, trong đó 19 loài ở châu Phi và 3 loài ở Đông Nam Á.
Đây là một loài đặc hữu ở Đông Dương, thường mọc trong rừng, trên núi đá vôi, tới độ cao 300 m so với mực nước biển ở Việt Nam, Lào, Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Ở nước ta, cây sương sâm mọc hoang khắp nơi từ đồng bằng đến các vùng đồi, núi. Ở Trung Quốc và vùng Đông Nam Á còn có một loài dây leo khác có tên khoa học là Cyclea barbata (Wall.) được gọi là sương sâm rừng hay sương sâm lông có lá hình quả tim cũng có tác dụng làm thức uống và làm thuốc như cây sương sâm trơn. Loài này phân bố rộng hơn loài sương sâm trơn.
Sương sâm là loài cây dây leo lâu năm, thân có lông mịn hoặc không lông, dài 3-4 m. Thân mảnh, có tua cuốn leo bám vào các cây khô hoặc cây tươi. Lá có phiến cứng, màu lục đậm, dài 6-11 cm, rộng 2-4 cm, gân ở gốc 3-5, gân phụ 2-3 cặp, cuống dài 5-20 mm.
Cụm hoa ở nách lá hay ở thân già, có lông mịn; hoa đực màu vàng, cánh hoa 5-6, nhị 3; hoa cái có 6 cánh hoa, 8-9 lá noãn. Quả hạch đỏ, dài 7-10 mm, rộng 6-7 mm. Mùa hoa quả thường từ tháng 12 đến tháng 6, tháng 7.
 
Công dụng: Lá non và lá già dùng để chế biến thành thạch sương sâm làm món giải khát, giải nhiệt, nhuận gan, tiêu độc. Rễ sương sâm dùng làm thuốc chống sốt, chữa đau họng, đau lưng, đau bụng, đau dạ dày, đau răng, tiêu chảy, kiết lỵ, bệnh về gan, trĩ, huyết áp cao do tăng cholesterol, tổn thương do té ngã. Liều dùng 15 - 20 gr/ngày.
Sương sâm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch lá, dễ tiêu thụ, đầu tư chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao.
Anh Lê Xuân Tịnh, ở tổ 1, khu 5, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước trồng xen sương sâm trong vườn cao su cho biết: Trồng sương sâm tốn ít chi phí và diện tích nhưng cho thu nhập ổn định. Hiện giá sương sâm dao động 50 - 70 ngàn đồng/kg. Với 3 sào sương sâm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Tịnh thu về 80 triệu đồng.
Chị Lương Thị Thắm ở ấp Phú Hữu, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trồng 1.500 cây sương sâm cho biết: Sau trồng khoảng 6 tháng, dây sâm bắt đầu ra lá mới, 1 tháng sau là cho thu hoạch từ 100 - 300 kg lá, thu nhập bình quân vài triệu đồng/tháng.
Trồng sương sâm có lời nhiều hơn làm ruộng gấp 4 - 5 lần, mỗi công sương sâm (1.000 m2) đến khi cho thu hoạch ổn định, hàng năm có thể cho lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Chỉ riêng ấp Phú Hữu đã có trên 30 hộ tham gia trồng dây sương sâm với diện tích lên tới trên 19.500 m2".
 
Theo: Nguyên Khê/ nongnghiep.vn
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 22831092 | Online: 8