Ấn phẩm
Kinh nghiệm bón phân đón đòng và chăm sóc Lúa khỏe cho đòng to
Giai đoạn làm đòng của cây lúa là giai đoạn cực trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành năng suất sau này. 
Chính vì vậy, làm thế nào để chăm sóc cây lúa khoẻ, cho đòng to, bông bự, giai đoạn tiếp theo lúa trổ an toàn và cho năng suất cao là điều mà người nông dân nào cũng quan tâm.

Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, phương tiện truyền thông phổ biến và đa dạng, người nông dân cũng ngày càng tiến bộ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới về nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm bản thân để việc canh tác ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình làm kỹ thuật, thăm đồng cùng với chú Đặng Văn Hai (nông dân TTF Xã Vĩnh Tường, Huyện Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang), chú Hai có chia sẻ về những kiến thức cũng như kinh nghiệm của chú đối với vấn đề bón phân cho lúa giai đoạn làm đòng và kết quả thực tế khi áp dụng trên ruộng của chú.
 
Chú Hai chia sẻ, những năm trước đây không chú ý nhiều đến thời gian cũng như số lượng bón phân đón đòng, chỉ làm theo tập quán cũ cứ định trước ngày là bón phân, đối với giống ngắn ngày 85-90 ngày thì khoảng 35-36 ngày là bón, giống 95-100 ngày thì bón lúc 44-45 ngày và bón theo tỉ lệ 5 Urê + 5 Kali hoặc nhiều hơn chút ít, nhưng những năm gần đây chú đã để ý đến việc bón phân đón đòng, chăm sóc lúa theo những hướng kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm của mình chú đã áp dụng trên ruộng lúa và dần dần đã mang lại hiệu quả cao. Chú cũng có chia sẻ 1 số kinh nghiệm của mình về việc xác định thời điểm để bón phân đón đòng:

Lấy thời gian sinh trưởng cây lúa trừ 55 ngày ra số ngày chuẩn bị bón phân đón đòng, trước đó vài ngày sẽ thăm đồng thường xuyên và áp dụng kỹ thuật bón phân “không ngày” “không số”.
 
- Không ngày: không xác định trước ngày nào bón phân mà đi thăm đồng để xác định, có thể quan sát 1 số đặc điểm của cây lúa:
 
+ Quan sát màu ruộng lúa, trên ruộng có khoảng 2/3 lúa ngả màu vàng chanh.
 
+ Chóp lá lúa có thắt eo.
 
 


Lá lúa có thắt eo
 
+ Chính xác nhất là xem đòng đòng, có thể xác định bằng cách xé ngẫu nhiên 10 chồi chính xem nếu có khoảng 50% cây lúa có đòng đòng 1-2mm, cây lúa một lóng rưỡi là có thể bón phân đón đòng.
 
- Không số: Không xác định trước số lượng phân bón mà phải thăm đồng nhìn màu lá lúa sau đó mới quyết định lượng phân bón.
 
Đó là những kinh nghiệm chú Hai chia sẻ, thực tế thì những vụ lúa gần đây thì cách làm của chú mang lại hiệu quả rất cao, lúa cho đòng to, trổ khoẻ, cho năng suất cao, ở vụ Hè Thu này vẫn với những kinh nghiệm đó hiện tại ruộng lúa của chú cũng cho đòng to, lúa tốt.
 
      

Kết luận: Từ kinh nghiệm của chú Hai cho thấy rất phù hợp với cơ sở khoa học. Ở giai đoạn làm đòng cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng do đó lúa có nhu cầu rất cao, cần cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa. Tuy nhiên, việc bón phân cũng cần lưu ý một số vấn đề đó là bón phải vừa đủ, đảm bảo cung cấp đủ các loại dưỡng chất ngoài những dưỡng chất cần thiết như N, P, K thì cũng cần cung cấp thêm 1 số chất trung vi lượng như canxi, silic những chất này sẽ giúp cho lá lúa cứng, thẳng đứng, tăng cường khả năng chống chịu cho cây lúa trước sự tấn công của dịch bệnh. Điều quan trọng là xác định đúng thời điểm để việc bón phân đón đòng mang lại hiệu quả cao. Việc xác định đúng thời điểm bón phân đón đòng và bón vừa đủ sẽ giúp đảm bảo số hạt trên bông tối hảo nhất, cho bông to, cây lúa giữ được bộ lá xanh bền, số hạt chắc sẽ nhiều hơn, hạn chế được sự đổ ngã, những chồi vô hiệu sẽ không nhiều và cũng hạn chế được sự bùng phát của các loại dịch hại. 


Hậu Giang, ngày 08  tháng 05  năm 2013
Nhân viên kỹ thuật khu vực Hậu Giang
KS. NGÔ THỊ KIM QUYẾN
 
 
Copyright 2016 by TANTHANHCO® . All rights reserved. Designed by nicedesign
Visited: 25276325 | Online: 29